Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được đưa vào Việt Nam năm 1981 dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, sau đó áp dụng toàn quốc năm 1985. Chương trình TCMR cung cấp vắc-xin phòng chống 11 loại bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và vắc-xin uốn ván cho phụ nữ mang thai và phụ nữ độ tuổi 15-35 ở những vùng có nguy cơ cao. Cho tới nay, chương trình TCMR đã đạt được nhiều thành công với độ bao phủ tiêm chủng quốc gia ở mức 90% hàng năm, giúp Việt Nam xóa sổ bệnh bại liệt năm 2000 và loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005.

Bên cạnh các thành quả đó, chương trình TCMR tại Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều vấn đề nổi cộm, bao gồm: tỷ lệ tiêm chủng giảm sau một số trường hợp phản ứng phụ từ việc tiêm vắc-xin viêm gan B và vắc-xin 5 trong 1 (năm 2011-2013), sự bùng phát dịch các bệnh truyền nhiễm như dịch sởi toàn quốc và uốn ván sơ sinh và bạch hầu ở vùng nông thôn những năm gần đây. Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng tới TCMR khi toàn bộ dịch vụ tiêm chủng bị ngưng lại do giãn cách xã hội toàn quốc trong 1 tháng. Điều này sẽ tạo thêm áp lực và khó khăn cho việc đạt được chỉ tiêu đề ra trong một khung thời gian hạn chế.

Tây Nguyên là một trong những địa điểm thực hiện thí điểm chương trình TCMR năm 1983. Tại tỉnh Đắk Lắk, 47 dân tộc cùng chung sống từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu vùng xa với những phong tục, tập quán, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Năm 2019, khoảng 66% xã (121/184) trên địa bàn tỉnh được xếp loại là vùng khó khăn về kinh tế- xã hội. Việc di dân thường xuyên đã tạo ra nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý an sinh, xã hội và y tế.

Chương trình TCMR tại tỉnh Đắk Lắk cũng gặp nhiều thách thức trong việc vân động người dân đi tiêm. Dù nhìn chung độ bao phủ tiêm chủng toàn tỉnh ở mức cao nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số còn thấp, dẫn tới xuất hiện một số ca uốn ván sơ sinh và viêm não Nhật Bản (2007-2013). Gần đây, Đắk Lắk cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bạch hầu (với 49 ca được phát hiện từ tháng 5/2020) và 3 ca COVID-19 vào tháng 7/2020. Điều này khiến cho hệ thống y tế toàn tỉnh gặp thêm nhiều khó khăn khi là tỉnh duy nhất trong cả nước đối mặt với 2 dịch bệnh cùng lúc. 

ThS BS Mai Thị Phước Loan, thư ký chương trình TCMR tại tỉnh Đắk Lắk, đã chia sẻ về các vấn đề quan trọng cũng như khó khăn trong việc tiến hành TCMR tại địa bàn tỉnh.