Dưới đây là tập hợp những báo cáo nghiên cứu có liên quan đến kỹ năng, môi trường làm việc và các vấn đề khác xoay quanh công việc của người nhân viên y tế trong môi trường bệnh viện và tại cộng đồng. Các báo cáo nghiên cứu này sẽ đem tới cái nhìn đa chiều hơn về những thuận lợi và thách thức mà các nhân viên y tế đang đối mặt.
Khảo sát về sức khỏe tâm trí của nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, thành phố Hồ Chí Minh năm 2016
Tác giả: Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Kim Ngọc, Mary Chambers, Phùng Khánh Lâm, Nguyễn Văn Vĩnh Châu.
Khảo sát này được thực hiện nhằm xác định mức độ trầm cảm, lo âu, và stress ở nhân viên y tế) của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TP Hồ Chí Minh. Khảo sát sử dụng thiết kế mô tả cắt ngang với sự tham gia của 601 nhân viên tự điền vào thang đo DASS-21. (REF for DSS21 in VN). Kết quả cho thấy, theo mức độ từ trung bình đến nặng, 28,5% có dấu hiệu trầm cảm, 38,8% có dấu hiệu lo âu và 19% có dấu hiệu stress. Nữ giới có nguy cơ vấn đề tâm trí cao hơn nam giới. Không có sự khác biệt giữa các mức độ trầm cảm, lo âu và stress theo nghề nghiệp, số năm công tác và nhóm tuổi. Họ cần được sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo bệnh viện và các chuyên viên tâm lý/tâm thần để được giảm áp lực tâm trí.
Báo cáo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y tế Công cộng, Số 47, Tháng 3/2019
Sự hài lòng của người bệnh đối với chất lượng bệnh viện tại Việt Nam: nghiên cứu tổng quan có hệ thống, giai đoạn 2000-2015
Tác giả: Nguyễn Hữu Thắng , Lê Thị Thanh Hà , Nguyễn Thị Thu Hà , Lê Mạnh Hùng , Nguyễn Thị Như
Tóm tắt: Nghiên cứu tổng quan có hệ thống nhằm tổng quan các kết quả nghiên cứu về sự hài lòng của người bệnh đối với chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam giai đoạn 2000-2015. Tổng số 27 nghiên cứu tại Việt Nam đáp ứng tiêu chí lựa chọn đã được đưa vào phân tích. Công cụ để đo lường được sử dụng bao gồm các yếu tố như: thông tin chung, thời gian chờ đợi tiếp cận dịch vụ, giao tiếp tương tác với bác sĩ, trang thiết bị, kết quả điều trị… cho phù hợp với từng đối tượng và địa phương… dựa trên thang đo Likert (chủ yếu là thang đo 5 điểm). Sự hài lòng chung đối với chất lượng dịch vụ y tế đều ở mức trung bình. Về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng, mỗi nghiên cứu đưa ra những nhận xét khác nhau, nhưng nhìn chung sự hài lòng ít liên quan tới những yếu tố về mặt thông tin chung như: tuổi, giới, tình trạng hôn nhân… và liên quan nhiều đến các yếu tố về chất lượng dịch vụ, tương tác với nhân viên y tế.
Báo cáo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y tế Công cộng, Số 45, ngày 7 tháng 6/2018.
Tình trạng stress của điều dưỡng và hộ sinh Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng năm 2014
Tác giả: Ngô Thị Kiều My, Trần Đình Vinh, Đỗ Mai Hoa
Tóm tắt: Điều dưỡng và hộ sinh tại các bệnh viện thường phải làm việc cả ngày lẫn đêm để phục vụ cho nhu cầu người bệnh, phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm, bệnh tật và tử vong của người bệnh. Chính vì vậy, nghề điều dưỡng được phân loại là dễ gây ra stress nghề nghiệp. Nghiên cứu này thực hiện nhằm xác định tình trạng stress và một số yếu tố liên quan của điều dưỡng, hộ sinh bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng năm 2014. Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô tả cắt ngang với sự tham gia của 370 điều dưỡng và hộ sinh. Bộ câu hỏi tự điền gồm 02 phần chính: thang đo DASS 21 của Lovibond; phần câu hỏi các yếu tố liên quan với tình trạng stress. Nhập liệu bằng phần mềm Epi Data và phân tích bằng SPSS. Tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh có biểu hiện stress là 18,1%. Phân tích hồi quy logistic đa biến xác định 03 yếu tố liên quan với stress là mức độ ổn định công việc, diện tích nơi làm việc, quan hệ với cấp trên. Để giảm nguy cơ bị stress cho điều dưỡng, bệnh viện cần sắp xếp để nhân viên có công việc ổn định, bố trí diện tích làm việc của nhân viên rộng rãi hơn, tăng cường giao lưu giữa cấp trên và nhân viên thông qua các hoạt động hỗ trợ và các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Báo cáo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y tế Công cộng, số 34, tháng 1/2015.